5 năm thuộc Ủy ban Quản lý vốn và hành trình trả nợ triệu USD của Vinachem

11/07/2023
2842

5 năm thuộc Ủy ban Quản lý vốn và hành trình trả nợ triệu USD của Vinachem

DAP số 2 - Lào Cai là 1 trong 4 dự án yếu kém, nhưng nay đã cơ bản thực hiện tốt các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, năm 2022 lợi nhuận gần 4 tỷ đồng.
DAP số 2 - Lào Cai là 1 trong 4 dự án yếu kém, nhưng nay đã cơ bản thực hiện tốt các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh, năm 2022 lợi nhuận gần 4 tỷ đồng.

Có tên trong danh sách 19 Tập đoàn, Tổng công ty về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp năm 2018, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) lúc đó mang theo 4 “gánh nặng” là những doanh nghiệp, với những dự án triệu USD nhưng làm ăn bết bát và thua lỗ kéo dài... PLVN trao đổi với ông Phùng Quang Hiệp - Tổng Giám đốc Vinachem về 5 năm nỗ lực hồi sinh các dự án để vợi đi những món nợ khủng.

Tập trung ngành nghề cốt lõi, lành mạnh hóa tài chính

Thời điểm từ Bộ Công Thương chuyển về trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước), Vinachem đã, đang triển khai Đề án tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2017-2020. Sự thay đổi cơ quan chủ quản đã tác động thế nào tới việc thực hiện các mục tiêu của Đề án này, thưa ông?

- Ngày 10/11/2018 là mốc quan trọng khi Vinachem được chuyển quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Tập đoàn từ Bộ Công Thương về Ủy ban Quản lý vốn. Đây cũng là thời điểm gần 1 năm Tập đoàn triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu Vinachem giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định số 16/QĐ-TTg ngày 5/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ.

Từ đó đến nay, với mục tiêu cơ cấu lại toàn diện Tập đoàn nêu tại Đề án - từ sắp xếp, cơ cấu lại Công ty mẹ - Tập đoàn và các đơn vị thành viên để tập trung vào ngành nghề kinh doanh cốt lõi, lành mạnh hóa tình hình tài chính đến quyết liệt đẩy mạnh tái cơ cấu về quản trị doanh nghiệp, Tập đoàn đã bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là sự quan tâm chỉ đạo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước để cơ bản hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ. Công tác tái cơ cấu được triển khai đồng bộ tại Công ty mẹ và các đơn vị thành viên, với mục tiêu bảo đảm Vinachem có cơ cấu hợp lý; nâng cao năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh, làm nòng cốt phát triển ngành công nghiệp hóa chất của đất nước.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã kịp thời trình Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thực hiện Đề án theo đề xuất của Tập đoàn nên công tác thoái vốn tiếp tục được thực hiện với giá trị thu được đến nay là 3.206 tỷ đồng, lợi nhuận thuần là 2.948 tỷ đồng, bình quân giá bán gấp khoảng 12,5 lần giá vốn, đây là một trong những điểm nhấn thành công trong thực hiện Đề án. Bên cạnh đó, Ủy ban Quản lý vốn đã chỉ đạo Tập đoàn tích cực tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc chuẩn bị các điều kiện để sớm cổ phần hóa Công ty mẹ, thúc đẩy việc xử lý các dự án kém hiệu quả, xây dựng phương án đối với dự án Muối mỏ Kali tại Lào…

Việc hoàn thành tốt các mục tiêu nêu tại Đề án tái cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2017-2020 là tiền đề quan trọng để xây dựng Đề án Cơ cấu lại Vinachem giai đoạn 2021-2025 đang được Ủy ban Quản lý vốn nhà nước trình Thủ tướng Chính phủ.

"Đến nay, Vinachem đã trả nợ gốc 237,5 triệu USD (tính cả lãi, phí là 300,6 triệu USD) cho khoản vay 250 triệu USD từ Bộ Tài chính - nguồn Eximbank Trung Quốc của Dự án Nhà máy đạm Ninh Bình. Riêng năm 2022, Vinachem trả cho Ngân hàng VDB 1.680 tỷ đồng. Dự án Đạm Hà Bắc cũng đã trả nợ với con số kỷ lục là 3.029 tỷ đồng ở Ngân hàng VDB và các ngân hàng thương mại trong năm 2022", Tổng Giám đốc Vinachem Phùng Quang Hiệp

Quá trình tái cơ cấu Vinachem có một nhiệm vụ rất nặng nề đó là phải xử lý một số dự án ngàn tỷ nhưng kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài... Trong bối cảnh đó, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã chỉ đạo, và Vinachem đã thực hiện ra sao để “cứu nguy” 4 dự án thuộc sở hữu Vinachem?

- Ngay từ khi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tiếp nhận vai trò Cơ quan thường trực và Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước làm Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương (Đề án 1468), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã quyết liệt chỉ đạo Tập đoàn rà soát, đánh giá toàn diện tình hình thực hiện các công việc cần triển khai nêu tại Đề án và đề xuất các giải pháp bổ sung phù hợp thực tiễn.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã có nhiều buổi làm việc cùng với các cơ quan, đơn vị liên quan, tích cực chỉ đạo các doanh nghiệp khẩn trương có phương án xử lý dứt điểm các tồn tại và thực hiện nghiêm túc các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng - Trưởng Ban Chỉ đạo.

Bám sát chỉ đạo của Chính phủ và Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, Vinachem đã tập trung chỉ đạo các đơn vị thực hiện nhiều giải pháp về sản xuất kinh doanh, tiết giảm chi phí, sắp xếp tổ chức bộ máy, thực hiện các giải pháp kịp thời ứng phó với những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19. Đồng thời tập trung yêu cầu các đơn vị chủ động triển khai có hiệu quả các giải pháp quản trị mua vật tư nguyên liệu, sản xuất, bán hàng, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, tăng năng lực vận hành, bảo trì hệ thống thiết bị qua đó hiệu quả sản xuất kinh doanh được cải thiện rõ rệt, bảo đảm công ăn việc làm cho người lao động.

Đến nay, Dự án của Công ty CP DAP-Vinachem sản xuất kinh doanh ổn định, hàng năm có lãi, đã được đưa ra khỏi danh sách 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả từ tháng 10/2021. Ba dự án, doanh nghiệp sản xuất phân bón còn lại của Vinachem là Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình và DAP số 2 - Lào Cai đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh; từng bước nâng công suất chạy máy bình quân so với thiết kế. Đến năm 2022, cả 3 nhà máy đều đạt doanh thu kỷ lục và có lãi, cụ thể: lợi nhuận của Đạm Hà Bắc đạt 1.779 tỷ đồng, Đạm Ninh Bình lãi 940 tỷ đồng, DAP số 2 - Lào Cai đạt lợi nhuận là 3,6 tỷ đồng.

5 năm thuộc Ủy ban Quản lý vốn và hành trình trả nợ triệu USD của Vinachem ảnh 1

Tổng Giám đốc Phùng Quang Hiệp: “3 dự án phân bón thuộc Đề án 1468 của Vinachem đã được Bộ Chính trị thông qua chủ trương về các biện pháp cơ cấu lại”.

Được sự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái - Trưởng Ban Chỉ đạo và sự chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước mà trực tiếp là đồng chí Chủ tịch Ủy ban đối với Vinachem, 3 dự án phân bón thuộc Đề án 1468 đã được Bộ Chính trị thông qua về chủ trương các biện pháp cơ cấu lại, tháo gỡ khó khăn để hoạt động sản xuất kinh doanh tiếp tục phát huy hiệu quả.

Giai đoạn này, Vinachem đã tập trung toàn bộ nguồn lực để ưu tiên trả nợ cho khoản vay của Dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, kết quả đến nay đã trả nợ đầy đủ, đúng hạn gốc là 237,5 triệu USD, nếu tính cả lãi, phí là 300,6 triệu USD cho khoản vay 250 triệu USD từ Bộ Tài chính - nguồn Eximbank Trung Quốc. Riêng năm 2022, Vinachem đã trả cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) 1.680 tỷ đồng của Dự án Đạm Ninh Bình. Đạm Hà Bắc cũng trả nợ con số kỷ lục là 3.029 tỷ đồng ở Ngân hàng VDB và các ngân hàng thương mại trong năm 2022.

Cũng cố Công ty mẹ để triển khai các dự án lớn

Ông có thể dẫn một ví dụ thể hiện sự sát sao trong chỉ đạo từ Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, các bộ ngành liên quan… cũng như sự chủ động, sáng tạo, quyết liệt trong điều hành của Vinachem để gỡ khó cho các dự án nói trên?

- Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã nhanh chóng thành lập Tổ xây dựng Phương án xử lý đối với 4 dự án, doanh nghiệp sản xuất phân bón thuộc Vinachem. Lãnh đạo Ủy ban, đặc biệt là đồng chí Chủ tịch Ủy ban khi đảm nhiệm vai trò Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo đã tiến hành ngay các buổi làm việc trực tiếp tại các dự án để chỉ đạo thực hiện các giải pháp tại Đề án 1468 như tiết giảm định mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu, chi phí sản xuất, tăng cường công tác quản trị, mở rộng thị trường... Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban cũng đã chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng Công ty trực thuộc Ủy ban, tăng cường công tác phối hợp, thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tạo điều kiện về nguyên vật liệu đầu vào và thị trường đầu ra nhằm gỡ khó cho các dự án của Vinachem.

Gần đây, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cũng tích cực làm việc với các Bộ, Ngành liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị đối với Phương án xử lý 3 dự án nói trên.

Các dự án thuộc Đề án 1468 với quy mô lớn trong ngành phân bón là sản phẩm chủ lực của Tập đoàn, đóng vai trò rất quan trọng đối với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh cộng hợp toàn Tập đoàn cũng như Công ty mẹ nên Tập đoàn luôn quan tâm trong chỉ đạo điều hành. Với đặc điểm chung là 2 đơn vị cùng sản xuất phân đạm ure, 2 đơn vị cùng sản xuất phân bón phức hợp DAP nên Tập đoàn có điều kiện để chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong công tác thị trường cũng như có sự so sánh, đối chiếu để hợp lý hóa quy trình sản xuất, quản trị các định mức, áp dụng khoa học công nghệ…

"Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đã chỉ đạo các Tập đoàn, Tổng Công ty trực thuộc Ủy ban, tăng cường công tác phối hợp, thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tạo điều kiện về nguyên vật liệu đầu vào và thị trường đầu ra nhằm gỡ khó cho các dự án của Vinachem", Tổng Giám đốc Vinachem Phùng Quang Hiệp

Vinachem cũng đã chủ động làm việc với các ngân hàng thương mại để tháo gỡ khó khăn về vốn, kịp thời xử lý nhiều tình huống để bảo đảm nguyên vật liệu đầu vào cho các dự án như than, quặng apatit, điện… qua đó góp phần bình ổn thị trường phân bón và bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Năm 2022, lợi nhuận, doanh thu… Vinachem ghi nhận những con số lần đầu có được trong lịch sử 52 năm của Tập đoàn. Thực tế này có ý nghĩa như thế nào đối với quá trình thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu Vinachem giai đoạn 2021-2025, thưa ông?

- Năm 2022, doanh thu của Vinachem đạt 58.452 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 7.798 tỷ đồng, tăng hiệu quả 3.848 tỷ đồng so với năm 2021, nộp ngân sách 2.342 tỷ đồng. Năm 2022, Công ty mẹ đã hoàn thành vượt các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh chính so với kế hoạch được giao.

Các đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn cơ bản hoạt động hiệu quả, có lãi.. Những con số khả quan này là cơ sở vững chắc để Vinachem thực hiện các mục tiêu tái cơ cấu và triển khai Đề án cơ cấu Tập đoàn giai đoạn 2021-2025 sau khi đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phát triển và xây dựng Vinachem trở thành Tập đoàn công nghiệp có trình độ tiên tiến, quản lý hiện đại, chuyên môn hóa cao và làm nòng cốt để ngành công nghiệp hóa chất phát triển nhanh, bền vững.

Chúng tôi đặt mục tiêu đảm bảo cân đối tài chính tại Công ty mẹ trong giai đoạn 2021-2025, góp phần đảm bảo dòng tiền thực hiện nghĩa vụ của Công ty mẹ đối với các tổ chức tín dụng. Cụ thể, đến ngày 30/6/2023, Vinachem đã trả nợ gốc được 237,5 triệu USD - tương đương 95% giá trị khoản vay 250 triệu USD từ Bộ Tài chính - nguồn Eximbank Trung Quốc; Tập đoàn đã trả Ngân hàng VDB tổng cộng 6.689 tỷ đồng và 4,56 triệu USD cho dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình, không còn dư nợ USD và giảm đáng kể quy mô khoản nợ vay tại VDB.

Đặc biệt, sẽ củng cố Công ty mẹ đảm bảo đủ các nguồn lực để phát triển các dự án trong ngành Công nghiệp hóa chất có quy mô lớn, quan trọng, điều hành các công ty con theo chiến lược của Tập đoàn.

  • 5 năm thuộc Ủy ban Quản lý vốn và hành trình trả nợ triệu USD của Vinachem ảnh 2

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước Nguyễn Hoàng Anh (thứ 3, trái sang) và lãnh đạo Vinachem đi thị sát Dự án Đạm Ninh Bình

Là một trong số 19 Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, “mảnh ghép” Vinachem có vai trò gì trong chặng đường 5 năm thành lập, hoạt động của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp, thưa ông?

- Trong 5 năm qua, Vinachem đã cùng với 18 Tập đoàn/Tổng công ty trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, với vai trò là doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn trong ngành công nghiệp hóa chất, cùng với các doanh nghiệp nhà nước khác thực sự là công cụ quan trọng để thực hiện hiệu quả chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đối phó với những biến động thị trường; tạo nguồn thu lớn cho ngân sách nhà nước; đóng góp quan trọng trong xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế; đồng thời thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh đóng góp vào kết quả chung của Ủy ban Quản lý vốn trong chặng đường 5 năm.

Ngoài ra, Vinachem cũng ý thức được trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cùng với các doanh nghiệp thuộc Ủy ban Quản lý vốn đóng góp, ủng hộ các chương trình an sinh xã hội do các cơ quan, tổ chức ở trung ương phát động hoặc tại các địa bàn một số đơn vị thành viên Vinachem đang đứng chân.