Đại biểu Quốc hội đề nghị hạ giá phân bón
Đại biểu Quốc hội đề nghị hạ giá phân bón
Theo Bộ Tài chính, chuyển mặt hàng phân bón sang đối tượng chịu thuế VAT 5% sẽ giúp giảm giá thành...
Sẽ chuyển mặt hàng phân bón sang đối tượng chịu thuế VAT 5%
“Từ đầu năm 2021, giá phân bón sản xuất trong nước, nhập khẩu tăng khoảng 60-80%, và dự báo có thể còn tăng cao hơn nữa. Trong khi, giá các sản phẩm đầu ra bấp bênh”, là nguyên nhân được đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương đưa ra để đề nghị cần có giải pháp hạ giá phân bón khi vụ Đông Xuân sẽ phải tiêu thụ tới 80% sản lượng phân bón cả năm.
Theo bà Hương, giá phân bón, mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, tăng cao đang khiến người nông dân "đã khổ càng thêm khổ".
Trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, giá phân bón hiện theo cơ chế thị trường, hơn nữa lại không ảnh hưởng đến đại bộ phận người dân, mà chỉ tác động đến một bộ phận những người làm nông nghiệp nên dù thuộc nhóm hàng hóa bình ổn giá, nhưng rất khó lập quỹ bình ổn để kiểm soát giá như xăng dầu.
Bởi vậy, để ổn định giá phân bón, nhà nước đang nghiên cứu chính sách thuế.
“Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị chuyển mặt hàng phân bón từ đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng (VAT) sang đối tượng chịu thuế VAT với mức thuế suất 5%. Bộ Tài chính đang soạn thảo Dự thảo nghị định theo hướng đề xuất này và đang xin ý kiến”, bà Hương cho biết.
Bà Hương phân tích: Nếu không thuộc đối tượng chịu thuế VAT thì các chi phí thuế bao gồm cả thuế VAT đầu vào được cộng hết vào giá, làm cho giá tăng lên. Còn nếu là đối tượng chịu thuế VAT thì sẽ có khấu trừ đầu vào – ra, sẽ giúp giảm giá thành. Tức, sẽ góp phần hỗ trợ giá cho người dân...
Quy định phân bón thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5% áp dụng ở tất cả các khâu: Nhập khẩu, sản xuất, bán buôn, bán lẻ đến tay người tiêu dùng.
Dừng xuất khẩu để phục vụ tối đa cho thị trường trong nước
Về việc bình ổn giá phân bón, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nhận định: Phân bón là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, nhưng việc bình ổn sẽ rất khó khăn khi nguyên nhân tăng giá chủ yếu là do giá nguyên liệu tăng.
Do đó, Thứ trưởng Khánh đề nghị, các doanh nghiệp cố gắng hợp lý hóa chi phí, giữ ổn định giá thành, đặt mục tiêu phân bón Việt Nam phải được bán với giá thấp hơn phân bón nhập khẩu, đưa phân bón đến tay người nông dân với giá thấp nhất.
Bộ Công thương cũng đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý thị trường phân bón, chống các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ, tích trữ, đẩy giá phân bón lên cao và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Còn ông Bùi Thế Chuyên, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đề xuất: Trước mắt cần tập trung tháo gỡ vấn đề lưu thông, vận chuyển.
Về lâu dài, cần giảm chi phí sản xuất, dù vẫn phải chấp nhận giá cao đối với một số nguyên liệu nhập khẩu đầu vào.
Đặc biệt, cần bình ổn giá các mặt hàng nguyên liệu sẵn có trong nước như than cho sản xuất urê, amoniac cho sản xuất DAP…
Đồng thời, tập trung tối đa cho sản xuất, hạn chế và thậm chí là dừng xuất khẩu để phục vụ tối đa cho thị trường trong nước...
Báo cáo từ Bộ NN&PTNT, phần lớn giá các loại phân bón thế giới đều tăng mạnh trong năm 2021, đặc biệt là phân lân (phốt phát) và phân đạm (Ure), chủ yếu do nhu cầu mạnh và chi phí đầu vào tăng. Giá phân Kali về cơ bản ổn định nhờ nguồn cung dồi dào.
Kết thúc tháng 10, giá phân bón Urê hạt đục tại Trung Đông đã tăng 82% (tương ứng tăng 378 USD/tấn) so với cuối tháng trước lên mức 835 USD/tấn (FOB), hợp đồng kỳ hạn tháng 11.
Dự báo giá phân bón trung bình năm 2021 dự báo cao hơn 25% so với năm 2020, do nhu cầu phân bón thế giới tăng.
Nguồn: Tập đoàn HCVN