Nga áp hạn ngạch xuất khẩu phân bón để tự vệ

11/11/2021
1085

Đến lượt Nga áp hạn ngạch xuất khẩu phân bón để tự vệ

Sau Trung Quốc, đến lượt Nga vừa công bố kế hoạch áp đặt hạn ngạch xuất khẩu phân bón nhằm đảm bảo nguồn cung trong nước và kiềm chế lạm phát giá cả.

 

Chỉ số giá phân bón ở Bắc Mỹ đã đạt mức kỷ lục vào tháng trước và hiện giá amoniac ở khu vực Tây Âu cũng đang ở mức cao nhất trong vòng hơn một thập kỷ. Đồ họa: Green Markets

Chỉ số giá phân bón ở Bắc Mỹ đã đạt mức kỷ lục vào tháng trước và hiện giá amoniac ở khu vực Tây Âu cũng đang ở mức cao nhất trong vòng hơn một thập kỷ. Đồ họa: Green Markets

Động thái mới của một trong những nhà sản xuất phân bón hàng đầu thế giới được cho là sẽ có thể khiến giá phân bón tiếp tục bị đẩy tăng cao thêm nữa trên quy mô toàn thế giới, trong bối cảnh các thị trường phân bón toàn cầu đang bị thắt chặt do khan hiếm nguồn cung.

Quyết định áp đặt hạn ngạch xuất khẩu phân bón của Nga được Thủ tướng Mikhail Mishustin công bố trong cuộc họp chính phủ vừa qua, sau khi Tổng thống Vladimir Putin hối thúc các biện pháp nhằm đảm bảo nguồn cung vật tư đầu vào sản xuất cho nông dân địa phương.

Ngay lập tức thị trường đã phản ứng, thể hiện qua giá cổ phiếu của các công ty sản xuất phân bón trong nước đều sụt giảm. Cổ phiếu của nhà sản xuất phân bón PhosAgro PJSC trong phiên đóng cửa sau khi chính phủ công bố kế hoạch đã giảm 1,4%, trong khi Acron PJSC giảm 3%.

Nỗi lo lắng sau đó còn lan sang châu Âu, khiến nông dân đã lên tiếng về khả năng khó đảm bảo nguồn cung cấp phân bón cho mùa vụ sản xuất phía trước, trước áp lực tăng cả năng suất và chất lượng. Các nhóm trang trại của Pháp cho biết tháng trước giá nitơ đã tăng gấp ba lần và nguy cơ thiếu hụt là có thật.

Theo giới quan sát, thông báo áp dụng hạn ngạch xuất khẩu phân bón hôm 5/11 của giới chức Nga là nỗ lực mới nhất của nước này nhằm giữ giá nông sản trong nước ở “trong tầm mức kiểm soát”, sau khi sắc thuế tương tự đối với hoạt động xuất khẩu lúa mì đã được áp dụng vào đầu năm nay.

Nga là nhà sản xuất phân bón hàng đầu thế giới. Ảnh: Bloomberg

Nga là nhà sản xuất phân bón hàng đầu thế giới. Ảnh: Bloomberg

Cụ thể là Nga sẽ áp dụng hạn ngạch xuất khẩu kéo dài sáu tháng đối với các mặt hàng phân bón khác nhau. Theo đó phân bón nitơ (đạm) sẽ bị hạn chế xuất khẩu ở mức không quá 5,9 triệu tấn, trong khi các lô hàng phân bón tổng hợp có chứa nitơ là không quá 5,35 triệu tấn. Các biện pháp sẽ chính thức bắt đầu vào tháng 12 tới.

Hạn ngạch xuất khẩu phân bón của Nga được đưa ra sau lệnh hạn chế xuất khẩu phân bón của Trung Quốc hồi trung tuần tháng 10 cho đến ít nhất là tới tháng 6 năm sau, cùng với chính sách thuế chống bán phá giá của Mỹ đối với phosphate (phân lân) của Nga và Trinidad & Tobago.

Theo các nguồn tin trong ngành phân bón, Thổ Nhĩ Kỳ, một quốc gia xuất khẩu phân bón lớn khác hiện cũng đã ngừng xuất khẩu các lô hàng.

Những rào cản này cùng với vô số các vấn đề sản xuất trên thị trường phân bón toàn cầu đang tiếp tục ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại truyền thống và có thể sẽ khiến giá phân bón tăng cao trong nửa đầu năm 2022.

Theo trang tin Gro-intelligence, kể từ cuối tháng 6, giá phân urê thế giới đã tăng từ 60% -70% ở khu vực Trung Tây Hoa Kỳ, trong khi giá phân DAP kỳ hạn cũng tăng từ 20% ​​-25%.

Vấn đề thời sự hiện nay đối với nông dân trên khắp thế giới là đều đang nói về việc chuyển đổi cây trồng từ ngũ cốc như ngô, lúa mì và lúa mạch, những loại cần phân bón có hàm lượng nitơ cao sang các loại cây họ đậu- vốn cần ít phân bón hơn. Tuy nhiên theo các chuyên gia, điều này không chỉ liên quan đến ngũ cốc, mà nó cũng sẽ ảnh hưởng đến các loại cây trồng được sử dụng để làm thức ăn cho gia súc và các vật nuôi khác.

Hiện hầu như tất cả các loại nguyên liệu, vật tư đầu vào cho cây trồng đều tăng giá gấp đôi so với mức thấp nhất của năm ngoái do sự nhu cầu tăng nhanh chóng trên toàn cầu và sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng.

Việc mở rộng diện tích sản xuất ở khắp các quốc gia được cho là nguyên nhân đã tiêu thụ hết nguồn cung phân bón dư thừa, trong khi hoạt động sản xuất không thể theo kịp. Ví dụ ở Trung Quốc, nước sản xuất nông nghiệp lớn nhất thế giới, có kế hoạch tăng cả sản lượng ngô, lúa mì và đậu tương trong năm nay, trong khi Brazil dự kiến ​​sẽ trồng một lượng ngô kỷ lục.

Một nguyên nhân khác khiến giá phân bón tăng đột biến trong thời gian gần đây là do cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, khi giá khí đốt tự nhiên kỳ hạn đã tăng kỷ lục tới 87% trong năm nay. Khí tự nhiên là nguồn nhiên liệu chính cho các nhà máy sản xuất phân bón trên toàn thế giới, và nó cũng là thành phần chính trong sản xuất amoniac khan.

Nguồn: nongnghiep.vn