Mở khóa tài chính, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển

25/10/2022
428

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VINACHEM) đầu tư hơn 27.000 tỷ đồng, kỳ vọng khi đi vào vận hành sản xuất, các nhà máy đạm Hà Bắc, Ninh Bình và Nhà máy sản xuất phân bón số 2 Lào Cai (DAP-2) sẽ chủ động nguồn cung trong nước, hạn chế nhập khẩu.

Được Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VINACHEM) đầu tư hơn 27.000 tỷ đồng, kỳ vọng khi đi vào vận hành sản xuất, các nhà máy đạm Hà Bắc, Ninh Bình và Nhà máy sản xuất phân bón số 2 Lào Cai (DAP-2) sẽ chủ động nguồn cung trong nước, hạn chế nhập khẩu. Tuy nhiên, ngay giai đoạn đầu hoạt động (2015-2020), do bất lợi từ thị trường cùng cơ chế tài chính không phù hợp đã khiến các nhà máy này thua lỗ gần 13.000 tỷ đồng, trung bình mỗi nhà máy lỗ hơn 700 tỷ đồng/năm.

Công nhân Nhà máy DAP-2 Lào Cai vận hành dây chuyền sản xuất.
Công nhân Nhà máy DAP-2 Lào Cai vận hành dây chuyền sản xuất.

 

Để khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, các doanh nghiệp đã chủ động tiết giảm các khoản chi phí, tận dụng tốt cơ hội thị trường nhằm tăng doanh thu, bảo đảm việc làm ổn định cho người lao động. Chính phủ cần có các giải pháp tháo gỡ khó khăn nhằm duy trì phát triển, sớm đưa các nhà máy ra khỏi danh sách “đen” của ngành công thương.

Nghịch lý lãi vẫn... lỗ

Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy Phân đạm Hà Bắc của Công ty cổ phần Phân đạm và hóa chất Hà Bắc (ĐHB) được triển khai nhằm tăng quy mô sản xuất phân đạm u-rê từ 180.000 tấn lên 500.000 tấn/năm với tổng mức đầu tư hơn 10.122 tỷ đồng, trong đó vốn vay các ngân hàng hơn 7.200 tỷ đồng. ĐHB sau khi đưa vào sử dụng từ tháng 12/2015 đến nay luôn vận hành ổn định, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

Trong 9 tháng qua, ĐHB sản xuất được hơn 340.000 tấn sản phẩm u-rê quy đổi, doanh thu đạt 5.346 tỷ đồng, lãi gần 1.700 tỷ đồng; nộp ngân sách hơn 100 tỷ đồng, tăng hiệu quả so với cùng kỳ năm 2021 hơn 2.000 tỷ đồng. Tình hình sản xuất, kinh doanh dù đạt được những con số ấn tượng, nhưng ĐHB đang phải đối diện tình trạng “lãi nhưng vẫn lỗ”, “tiền lãi vay con to hơn lãi vay mẹ” vì các khoản nợ tài chính.

Tính đến hết ngày 31/8/2022, ĐHB đã trả gốc và lãi của các ngân hàng được 7.326 tỷ đồng trên 7.207 tỷ đồng vay. Trong đó, trả Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cả gốc và lãi được 4.014 tỷ đồng (gốc đã trả 2.754 tỷ đồng, lãi đã trả 1.260 tỷ đồng); trả các ngân hàng thương mại gốc và lãi được 3.312 tỷ đồng. Tuy nhiên, ĐHB vẫn còn nợ tới 5.152 tỷ đồng, gồm nợ gốc 1.371 tỷ đồng, nợ lãi 3.781 tỷ đồng (lãi phát sinh 2.313 tỷ đồng, lãi phạt chậm trả gốc 210 tỷ đồng, lãi phạt chậm trả lãi 1.257 tỷ đồng).

Theo chia sẻ của Tổng Giám đốc ĐHB Nguyễn Đức Ninh, có nghịch lý khi cùng là các khoản vay nhưng đến nay khoản nợ của VDB lớn hơn gấp 2,9 lần so với nợ của ngân hàng thương mại. Lãi suất của VDB hiện rất cao, bình quân khoảng 10,78%/năm, do ĐHB không được cơ cấu nợ nên phải chịu lãi phạt trên số tiền gốc và lãi chậm trả là 1,5 lần (tương ứng khoảng 16,2%/năm).

Trong khi lãi suất vay vốn ban đầu của các ngân hàng thương mại ở mức 6%/năm, từ năm 2017 dao động khoảng 4,5-5,5%/năm và từ năm 2011 thời hạn vay được gia hạn từ 12 năm lên 20 năm; nhưng riêng VDB chỉ 12 năm.

Ông Ninh cũng khẳng định, sau khi đi vào hoạt động, ĐHB từng bước tiếp cận làm chủ công nghệ sản xuất, áp dụng đồng bộ các giải pháp quản trị, tiết kiệm chi phí, sắp xếp tinh gọn bộ máy hoạt động, giảm lao động từ 2.000 người còn 1.300 người, giảm đầu mối trực thuộc từ 32 đơn vị xuống còn 22 đơn vị,…

Tuy nhiên, giai đoạn 2015-2020 gặp rất nhiều khó khăn khi giá nguyên liệu đầu vào (than) chiếm hơn 60% giá thành tăng gấp 2,3 lần so năm 2010; chi phí tài chính gấp 2,33 lần so định mức tiêu hao của dự án và chiếm hơn 1/3 doanh thu, khiến giá bán không đủ bù chi phí; sản phẩm bán ra lỗ hơn 2 triệu đồng/tấn, dẫn đến kết quả sản xuất, kinh doanh thua lỗ 4.760 tỷ đồng. Thực hiện Đề án 1468 của Chính phủ, ĐHB đã xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh và các giải pháp cụ thể để triển khai trong ba năm 2018 - 2020.

Kết quả, năm 2021, ĐHB sản xuất hơn 452.000 tấn u-rê quy đổi, doanh thu đạt 4.518 tỷ đồng, lãi 6,25 tỷ đồng. Đồng thời, do làm chủ công nghệ, sản lượng được nâng dần qua các năm, công suất toàn dây chuyền đạt hơn 90% so định mức tiêu hao của dự án, an toàn môi trường trong sản xuất, sản phẩm bảo đảm chất lượng, có thương hiệu.

Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Bắc Giang, ĐHB nỗ lực “gồng mình” chống dịch, không có trường hợp F0, bảo đảm an toàn, duy trì sản xuất liên tục, tận dụng tốt cơ hội thị trường và lưu thông hàng hóa không bị ách tắc.

“Với kết quả sản xuất, kinh doanh có sự khởi sắc trong năm nay, dự kiến lợi nhuận đạt 1.930 tỷ đồng, nếu được Chính phủ chấp nhận cho VDB tái cơ cấu khoản nợ, giảm lãi suất cho vay xuống còn 8,55%/năm, kéo dài thời gian thực hiện dự án thêm 8 năm, dừng tính lãi với các khoản nợ chậm trả và xóa nợ lãi tính trên nợ gốc quá hạn, nợ lãi chậm trả phát sinh, dự kiến ĐHB sẽ gần hết âm vốn chủ sở hữu. Từ năm 2023, tiếp tục có lãi ổn định qua các năm” - ông Ninh khẳng định.

Tái cơ cấu khoản nợ

Dự án DAP-2 có công suất 330.000 tấn/năm, tổng mức đầu tư 5.027 tỷ đồng, trong đó vốn vay VDB là 1.810 tỷ đồng, Ngân hàng thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (Vietinbank) là 1.215 tỷ đồng, vốn khác 502 tỷ đồng. Mục tiêu sau khi đi vào vận hành nâng sản lượng phân bón DAP sản xuất trong nước lên 660.000 tấn/năm, đáp ứng cơ bản nhu cầu thị trường, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia,... Nhưng với những bất lợi do thị trường tiêu thụ chậm, giá nguyên vật liệu tăng 30-60% so định mức tiêu hao của dự án,… khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DAP-2 giai đoạn 2015-2020 lỗ 2.915 tỷ đồng, sản lượng đạt trung bình 50% công suất thiết kế.

Nguyên nhân do giá DAP nhiều thời điểm thấp hơn chi phí biến đổi, năm 2016 tiêu thụ chậm nhưng DAP nhập khẩu lên tới 821.000 tấn, xấp xỉ nhu cầu tiêu thụ trong nước. Lượng tồn kho lớn, có thời điểm lên tới 82.000 tấn buộc DAP-2 phải dừng sản xuất. Bất lợi từ giá nguyên liệu lưu huỳnh, amoniac, quặng apatit tăng cao khiến tổng chi phí thực tế tăng tới 47,7%/tấn (từ 7,74 triệu đồng/tấn lên 11,42 triệu đồng/tấn), trong khi giá bán chỉ bằng 86% giá tính toán theo định mức tiêu hao của dự án nên chịu lỗ tới 3,23 triệu đồng/tấn.

Mặc dù đã quyết liệt áp dụng các giải pháp quản trị doanh nghiệp, tiết giảm chi phí nhưng do áp lực từ các khoản vay ngân hàng quá lớn khiến DAP-2 luôn trong tình trạng “khó chồng khó”. Tính đến cuối năm 2021, dư nợ tại các ngân hàng là 5.048 tỷ đồng, trong đó, nợ gốc 2.795 tỷ đồng (nợ gốc quá hạn 2.049 tỷ đồng), nợ lãi quá hạn 2.253 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo báo cáo tài chính của DAP-2, khi nhu cầu tại một số thị trường trên thế giới tăng cao là những tín hiệu khả quan để ngành đẩy mạnh phát triển. Năm 2021, sản lượng sản xuất DAP đạt gần 220 nghìn tấn, doanh thu đạt 2.549 tỷ đồng, lỗ 126 tỷ đồng, giảm lỗ so với kế hoạch 427 tỷ đồng và giảm 542 tỷ đồng so với lỗ năm 2020. Trong chín tháng qua, sản lượng sản xuất DAP hơn 134 nghìn tấn, doanh thu hơn 2.444 tỷ đồng (bằng 116,93% so cùng kỳ năm 2021); lần đầu tiên từ khi đi vào hoạt động có lãi hơn 88,3 tỷ đồng, tăng hiệu quả 192 tỷ đồng so cùng kỳ năm 2021.

Để có được kết quả trên, DAP-2 đã chủ động sản xuất, kinh doanh, định mức sản xuất thấp hơn định mức tiêu hao của dự án, thời kỳ cao điểm đã sản xuất được sản lượng lên tới 29.150 tấn/tháng, tương đương 106% công suất thiết kế, sản phẩm sản xuất được tiêu thụ hết, không có hàng tồn kho, qua đó đến nay đã trả nợ các ngân hàng gần 1.200 tỷ đồng gốc và lãi.

Dù kết quả sản xuất, kinh doanh từ năm 2021 có sự chuyển biến tích cực nhưng Tổng Giám đốc DAP-2 Vũ Việt Tiến cho rằng, hợp đồng tín dụng của VDB hết hạn vào tháng 5/2022 khiến đơn vị rơi vào hoàn cảnh hết sức khó khăn khi chi phí tài chính tăng mạnh. Nguyên nhân vì toàn bộ lãi phát sinh của VDB nhập vào gốc vay, đồng thời tính lãi phạt tới 14,4%/năm dẫn đến vượt quá khả năng thanh toán. Đến nay tổng dư nợ VDB gồm gốc, lãi, lãi quá hạn đã lên tới hơn 4.200 tỷ đồng; tổng dư nợ Vietinbank gồm gốc, lãi hơn 1.675 tỷ đồng.

Vì vậy, ông bày tỏ mong muốn các ngân hàng cho DAP-2 được tái cơ cấu nợ nhằm giảm thiểu chi phí tài chính; tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh để tìm cơ hội thoái vốn, giúp các ngân hàng thu được nợ, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư ban đầu. DAP-2 cũng kiến nghị VDB, báo cáo Chính phủ cho phép điều chỉnh các khoản lãi suất cho vay của dự án về mức 8,55% từ năm 2022, kéo dài thời hạn vay của dự án thêm 15 năm, dừng tính lãi đối với nợ lãi chậm trả; xóa nợ lãi tính trên nợ gốc quá hạn và nợ lãi tính trên nợ lãi chậm trả phát sinh chưa trả,... Nếu được thông qua, sẽ giúp DAP-2 nhanh chóng thoát lỗ, sớm thu hồi vốn, trả hết nợ đã vay.

 

Với dự án đạm, phân bón cần đánh giá tính khả thi, hiệu quả từng dự án, cơ hội thị trường để có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ và xử lý phù hợp với tình hình thực tế. Có thể ứng vốn của Nhà nước để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, đẩy mạnh sản xuất với mục đích tăng sản lượng, bình ổn giá,... đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp và đẩy mạnh xuất khẩu. Khi có lãi, sẽ dùng để bù lại khoản tín dụng đã được ứng trước. Đồng thời, có phương án đưa ra thảo luận, lấy ý kiến đóng góp của các chuyên gia, tham khảo nhu cầu thị trường để trình Quốc hội xem xét, quyết định.

LÊ ĐĂNG DOANH

Chuyên gia kinh tế

Nguồn: nhandan.vn