Tìm hướng đi cho các dự án kém hiệu quả

26/10/2022
407

Phải sớm có những phương án, giải pháp tháo gỡ “nút thắt”, xử lý rất cụ thể cho từng dự án để khơi thông những “điểm nghẽn” đã được nhận diện. Đây cũng là yếu tố quyết định giúp các dự án đi vào vận hành, giảm thua lỗ, hạn chế thấp nhất thất thoát cho Nhà nước và những tác động xấu đến hoạt động của doanh nghiệp.

Hiện nay, quá trình xử lý các dự án kém hiệu quả ngành công thương đang gặp nhiều vấn đề tồn đọng, phức tạp khi có sự tham gia của nhiều nhà thầu, phát sinh rào cản pháp lý từ tranh chấp thương mại quốc tế; một số hạng mục xây lắp, tài sản đầu tư của các dự án còn trong trạng thái dở dang, chưa hoàn thành; các doanh nghiệp phải “còng lưng” gánh các khoản nợ và lãi vay ngân hàng với chi phí rất lớn, lũy kế phát sinh thêm qua nhiều năm tạo nên áp lực tài chính với các dự án.

Công nhân Nhà máy đạm Hà Bắc (Bắc Giang) vận chuyển đạm đi tiêu thụ. (Ảnh: TRẦN HẢI)
Công nhân Nhà máy đạm Hà Bắc (Bắc Giang) vận chuyển đạm đi tiêu thụ.

Do đó, phải sớm có những phương án, giải pháp tháo gỡ “nút thắt”, xử lý rất cụ thể cho từng dự án để khơi thông những “điểm nghẽn” đã được nhận diện. Đây cũng là yếu tố quyết định giúp các dự án đi vào vận hành, giảm thua lỗ, hạn chế thấp nhất thất thoát cho Nhà nước và những tác động xấu đến hoạt động của doanh nghiệp.

Tăng, giảm theo thị trường

Ba dự án của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (VINACHEM) gồm: đạm Hà Bắc (ĐHB), đạm Ninh Bình (ĐNB) và DAP-2 đều có chung đặc điểm đã đi vào vận hành, tạo ra sản phẩm và bắt đầu có lãi. Tuy nhiên, hiện ba dự án này cũng đều trong tình trạng “gánh nặng đè vai”, đối diện với các khoản chi phí tài chính quá lớn, có dự án chiếm tới 30% nên khó lòng cạnh tranh với thị trường.

Chủ tịch VINACHEM Nguyễn Phú Cường khẳng định, phải tái cơ cấu lại các dự án này, nếu không doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn vì “lãi vay chồng lãi vay”. Thí dụ, tại ĐHB tính đến hết năm 2020, nợ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) lên tới 6.100 tỷ đồng bao gồm cả gốc và lãi.

Trong năm 2021, mặc dù đã trả được 747 tỷ đồng nhưng đến hết năm, nợ không giảm mà còn tăng thêm 200 tỷ đồng, lên tới 6.300 tỷ đồng. Đây là điều rất bất hợp lý khi hợp đồng vay ban đầu với mức lãi suất 6,9%/năm, khi lãi suất tăng, VDB điều chỉnh tăng lên theo nhưng khi xuống lại không giảm tương ứng. Trong khi các ngân hàng thương mại có thể đàm phán giảm thì VDB lại vướng cơ chế hoạt động, không tự quyết việc giảm lãi cho vay.

Dù Chính phủ đang có nhiều gói hỗ trợ cho doanh nghiệp như: giảm, hoãn đủ các loại thuế, phí, lãi vay nhưng VINACHEM không được hưởng. Việc tái cơ cấu các dự án trên phải có sự logic, đúng với cơ chế thị trường, có sự chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích giữa ngân hàng và doanh nghiệp để cùng vượt qua khó khăn. Mặt khác, cần xem xét cho kéo dài thời hạn vay của các dự án thêm 10 năm để giảm bớt sức ép đến hạn trả nợ bởi thời gian hoạt động của các nhà máy đều từ 20 đến 30 năm.

Khi được tháo gỡ những vướng mắc trên, các doanh nghiệp không bị lỗ, có nguồn lực đẩy mạnh sản xuất, tạo ra những giá trị cao nhất để trả nợ. Nếu không, những dự án này buộc phải dừng hoạt động, gây thiệt hại nghiêm trọng với đủ loại chi phí, khấu hao, tiền lương,… Đơn cử, ĐHB mỗi ngày sản xuất 1.500 tấn sản phẩm, giá bán khoảng 14 triệu đồng/tấn,nếu dừng dây chuyền sẽ gây thiệt hại riêng chi phí sản xuất hơn 21 tỷ đồng/ngày.

Tổng Giám đốc Tổng công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL) Lê Song Lai cho rằng, phải phân tích, làm rõ nguyên nhân, “bắt đúng bệnh” mới đưa ra đúng “phác đồ điều trị” khả thi và phù hợp nhất.

Theo đó, TISCO-2 đang chờ đối tác thống nhất thời điểm kiểm đếm khối lượng máy móc, thiết bị trong kho (do tổng thầu MCC quản lý), TISCO cũng chủ động tính toán sơ bộ các phương án xử lý, tái cơ cấu. Sau đó căn cứ thực trạng tình hình sẽ tiến hành đánh giá, hiệu chỉnh, bổ sung hoàn thiện phương án xử lý một cách toàn diện, đầy đủ, chính xác.

Đặc biệt, phải làm rõ kết quả đàm phán và xử lý hợp đồng EPC dở dang, bởi ảnh hưởng đến việc xác định giá trị đầu tư, doanh nghiệp, quyền chủ động của nhà đầu tư có thể tiếp tục bổ sung hoàn thiện hay không. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để đưa ra kịch bản, phương án xử lý sau này cho TISCO-2. Còn với dự án của VTM, các bên liên quan đang tích cực thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, xây dựng đề án tái cơ cấu, phục hồi, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, kéo giảm thua lỗ.

Theo đó, ưu tiên phương án kêu gọi các bên liên doanh tham gia góp vốn để ổn định tình hình; đồng thời VNSTEEL có thể cung cấp trước nguyên liệu sản xuất để VTM vận hành trở lại, sau đó dùng sản phẩm của VTM sản xuất ra để thanh toán cho phần nguyên liệu VNSTEEL đã cung cấp.

Mục tiêu trước mắt là giúp VTM tái khởi động sản xuất, duy trì việc làm, thu nhập cho người lao động. Song về lâu dài, VTM phải sớm giải quyết những tồn tại hạn chế từ nhiều năm nay, nâng cao năng lực quản trị, tiết giảm chi phí sản xuất, có phương án bù đắp các khoản thiếu hụt tài chính, thanh toán hết các khoản nợ để ổn định sản xuất, kinh doanh.

Theo Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) Nguyễn Hoàng Anh, có thể khẳng định cơ bản đã nhận diện được những vướng mắc và hướng giải quyết mang tính khả thi của các dự án.

Vấn đề quan trọng là đưa ra các kịch bản và so sánh, phân tích để lựa chọn các phương án phù hợp với hiện trạng trong bối cảnh mới. Hiện CMSC đang chỉ đạo quyết liệt chủ đầu tư các dự án xây dựng, hoàn thiện phương án tái cơ cấu, phục hồi, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Việc xử lý tiếp tục thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ, Quốc hội, Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương (Ban Chỉ đạo), tuân thủ các quy định của pháp luật, kết luận thanh tra, kiểm toán và các cơ quan có thẩm quyền,...

Từ đó, căn cứ vào tình hình thực tế, sẽ rà soát, tổng hợp, có báo cáo và đưa ra giải pháp, hướng xử lý các khó khăn, vướng mắc của từng dự án; định hướng tái cơ cấu theo hướng có lợi nhất cho Nhà nước và doanh nghiệp; xem doanh nghiệp cần hậu thuẫn gì về cơ chế chính sách.

Các đơn vị liên quan cần nghiên cứu mở hướng giao quyền cho doanh nghiệp tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Với những trường hợp các dự án, doanh nghiệp không có khả năng phục hồi sẽ báo cáo, xem xét cho phá sản, giải thể theo quy định. Trong trường hợp này cần đặt ra mục tiêu thu hồi tài sản của Nhà nước, hạn chế thấp nhất thất thoát và những tác động tiêu cực với kinh tế-xã hội.

Xử lý dứt điểm các tồn đọng

Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, TS Nguyễn Đức Kiên nhìn nhận, việc đưa một số dự án ra khỏi danh sách yếu kém, thua lỗ chính là điểm nhấn, thể hiện sự quyết liệt của Chính phủ nhiệm kỳ này.

Chính phủ đã chỉ đạo rất cụ thể, phân chia 12 dự án thành nhiều nhóm khác nhau để tập trung giải quyết dứt điểm từng dự án, bảo đảm tính khả thi, nhanh chóng đưa các dự án này vào hoạt động, giảm thiệt hại.

Như với dự án nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất, Chính phủ đã yêu cầu Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phải đầu tư hoàn chỉnh, đưa vào hoạt động để cơ cấu lại, kết nối với nhà máy lọc dầu tạo thành chuỗi sinh thái có hiệu quả. Với những dự án khả năng sinh lời nhanh phải kiên quyết đưa vào hoạt động để phù hợp hơn với nền kinh tế thị trường.

Thí dụ, Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ có công nghệ tiên tiến, ban đầu khi đưa vào hoạt động, giá dầu thời điểm đó rất cao nên cứ chạy máy là lỗ. Do đó, Chính phủ cùng các đơn vị liên quan đã quyết tách từng phần, công đoạn nào chạy có lãi cho tiếp tục hoạt động, công đoạn nào chưa có lãi thì nghiên cứu thay đổi phương thức quản trị, yếu tố đầu vào và đầu ra để bảo đảm hòa vốn, bảo toàn máy móc, thiết bị.

Đặc biệt, lãnh đạo Chính phủ nhiệm kỳ này đã thay đổi quan điểm không nhất thiết buộc các dự án đầu tư công nào cũng phải có lãi, tính trên bình diện chung đạt hiệu quả là được.

Trong nhiều cuộc làm việc với các đơn vị liên quan, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái-Trưởng Ban Chỉ đạo đã khẳng định, tinh thần trong năm nay phải có phương án xử lý dứt điểm các dự án còn lại.

Đối với dự án của VTM, các bên liên doanh cần thống nhất về phương án tái cơ cấu toàn bộ dự án để các cấp có căn cứ đưa ra quyết định. Nếu tiếp tục duy trì hoạt động thì phải bảo đảm hiệu quả và thực hiện theo quy định pháp luật của Việt Nam về khai thác khoáng sản, quản lý đầu tư kinh doanh.

Nếu các bên liên doanh không thống nhất được, phải báo cáo với Thường trực Chính phủ để có phương án xử lý theo quy định. Với dự án DAP-2, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, cần đánh giá nghiêm túc về nguyên nhân khiến dự án rơi vào tình trạng thua lỗ, cũng như các dự báo về những khởi sắc trong cơ hội sản xuất, kinh doanh thời gian tới.

VINACHEM cần thống nhất với các ngân hàng về việc thực hiện phương án tái cơ cấu nợ vay nhằm cải thiện tình hình tài chính của doanh nghiệp như đã cam kết với ngân hàng để hoàn thiện đề án tái cơ cấu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trên cơ sở bảo đảm ngân sách không phát sinh, hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và ngân hàng. Các ngân hàng mặc dù không ký được cam kết nhưng đề nghị DAP-2 phải có kế hoạch trả nợ cụ thể, điều đó tốt hơn việc xử lý tài sản bảo đảm.

Riêng với TISCO-2, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành cùng TISCO phải xử lý những tồn đọng, vướng mắc với tinh thần quyết liệt, quyết tâm cao nhất; rút kinh nghiệm từ những dự án đã xử lý trước đó, xác định rõ, có tiếp tục triển khai hay không, vì sao, làm như thế nào, ai làm, khi nào thì xong, nguồn lực, cơ chế gì để làm, ai là người quyết định…; phương châm tái cơ cấu bảo đảm hiệu quả đầu tư nguồn vốn nhà nước, cũng như đời sống của hàng nghìn người lao động.

Đặc biệt, Thủ tướng lưu ý, việc giải quyết dứt điểm TISCO-2 sẽ góp phần giữ vững truyền thống phát triển ngành thép nói riêng và công nghiệp nước nhà nói chung trong thời kỳ mới.

Về hướng giải quyết ĐHB, Thủ tướng yêu cầu CMSC, VINACHEM phải đề cao trách nhiệm, sớm hoàn thiện đề án tái cơ cấu theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ, bám sát các kết luận của Bộ Chính trị, bảo đảm phù hợp, khả thi, hiệu quả; đưa ra phương án cụ thể, có đánh giá tác động và thể hiện quan điểm của mình.

Thủ tướng nhấn mạnh phải quyết tâm tái cơ cấu để nhà máy ĐHB phát triển vì đã đầu tư nguồn vốn lớn vào đây, đang vận hành, có sản phẩm, thị trường có nhu cầu lớn. Việc sản xuất phân đạm cũng góp phần cung cấp ổn định sản phẩm cho sản xuất nông nghiệp, giảm nhập khẩu, từng bước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường.

Nguon: nhandan.vn